Thời gian gần đây, trên mạng xuất hiện nhiều mẫu tin rao vặt tuyển nhân viên đánh máy, nhập liệu tại nhà với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, đây chính là một “chiêu” lừa đảo tinh vi, đang được nhiều đối tượng sử dụng để lừa đảo những người nhẹ dạ.
Theo các mẫu rao vặt, tiêu chuẩn của việc làm này rất đơn giản, chỉ cần bạn biết vi tính cơ bản, chăm chỉ, có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm, rất phù hợp với sinh viên. Mỗi giờ có thể kiếm khoảng 25.000 đồng, mỗi tháng kiếm được từ 3- 4 triệu, tùy thời gian làm. Tưởng chừng như kiếm được 3- 4 triệu /tháng trong tầm tay mà chẳng cần ra khỏi nhà,thế nhưng, sự thật thì không phải vậy.
Những mẩu thông tin tuyển dụng này xuất hiện nhiều trên các trang việc làm
Trong vai một người xin việc, tôi đăng kí việc làm này tại một trang tìm việc qua facebook và ngay hôm sau tôi nhận được một cuộc gọi mời đến Công ty ở Trần Thái Tông, Cầu Giấy để phỏng vấn.
Đúng hẹn, tôi đến phỏng vấn thì “công ty” này chỉ có một phòng rộng khoảng 40m2, với khoảng 5-6 nhân viên. Lúc này trong phòng có hàng chục ứng viên chờ để được phỏng vấn.
Khi phỏng vấn, người phỏng vấn yêu cầu người xin việc đánh một chuỗi dòng chữ trong vòng 15 giây. Sau đó, dù có đạt hay không đạt thì họ vẫn giới thiệu về công việc một cách chuyên nghiệp: “Bạn sẽ làm việc trên phần mềm download từ trang web của Công ty. Trên đó có hiện ra chuỗi khoảng 6-8 chữ và số. Bạn chỉ cần gõ lại đúng những kí tự ấy và nhấn “enter” là xong. Nếu gõ được 1.000 mã như vậy thì sẽ được trả 15.000 đồng. Một tháng sẽ được khoảng 2,5 đến 3 triệu, tùy vào khả năng đánh máy. Lương sẽ được trả qua thẻ ATM.”
Sau khi đồng ý kí hợp đồng thì nhân viên yêu cầu tôi nộp 250 nghìn cho Công ty. Nhưng khi tôi thắc mắc là trên thông tin đăng tải không có ghi phí và lí do phải nộp thì được anh nhân viên giải thích đây là phí bảo trì phần mềm và trên hợp đồng có ghi. Số tiền này sẽ được hoàn trả nếu cộng tác viên nhập được 10 nghìn mã trong 4 tuần liên tiếp.
Khi kí hợp đồng tôi hỏi sao chỉ có một bản thì được nhân viên trả lời rằng có 2 bản, bản giấy người nhận việc sẽ giữ, còn một bản mềm trong máy tính thì họ giữ. Nhưng bản mềm đó tôi không được xem và cũng không biết rằng nó có thực sự tồn tại hay không?
Một số điều khoản trong hợp đồng kí kết
Sau kí kí hợp đồng rất chóng vánh, cộng tác viên được hướng dẫn sơ bộ sử dụng phần mềm được gửi vào email (nhưng không được hướng dẫn chi tiết công việc phải làm).
Sau khi phần mềm được tải về máy tính, đến hôm sau, cộng tác viên có thể bắt đầu làm việc.
Khi bắt tay vào việc, mọi người mới thấy độ phức tạp đến kì lạ. Trên máy tính hiện ra các kí tự như khi chúng ta được yêu cầu nhập dãy chữ số, nhưng chúng loằng ngoằng gấp nhiều lần những chữ số ta thường bắt gặp.
Những mã này như “đánh đố”, vừa loằng ngoằng lại còn nhòe nhoẹt, dù có căng mắt ra bạn cũng không thể đoán được là chữ gì. Đã thế, theo “luật” là trong vòng 15 giây phải “giải mã” và nhanh tay đánh lại xuống dòng dưới y chang, nếu quá 15 giây mà không xử lí xong thì tài khoản sẽ tự động bị đá ra (timeout). Quá 20 lần trong ngày bị khóa vĩnh viễn.
Những kí tự như thách đố người đánh máy
Đã thế lại thêm những điều khoản rất khắc nghiệt như các trường hợp sẽ bị khóa tài khoản. Chẳng hạn, khóa tài khoản 10 phút nếu trong vòng 15 giây, bạn không xử lí xong hình ảnh thì tài khoản sẽ bị đá ra và phần mềm sẽ đăng nhập lại. Hai lần liên tiếp bị đá ra sẽ bị khóa 10 phút, nhập sai nhiều lần tiếp hoặc bỏ qua nhiều lần liên tiếp.
Tài khoản bị khóa tài khoản vĩnh viễn nếu bạn bị khóa 10 phút hai lần liên tục. Tài khoản không làm việc trong 4 tuần liên tiếp, bị đá ra quá 20 lần trong một ngày. Tỉ lệ đúng thấp hơn 85%; tạm dừng quá 20 lần trong ngày.
Tôi đã thử thì trong vòng 15 giây, chỉ hoàn thành xong mã đơn giản, còn lại các mã phức tạp, khó nhìn thường không thể hoàn thành được mà số lượng mã phức tạp gấp nhiều lần những mã đơn giản.
Trong vòng 5 phút mới chỉ hoàn thành chưa được 10 mã, còn lại bị đá ra đến gần 20 mã. Hơn nữa những mã gõ được thì tỉ lệ đúng cũng khó có thể đạt được 85% như quy định. Đó là chưa kể những quy định về khóa tài sản vĩnh viễn đặt ra chỉ cốt để người đánh máy “không có đường thoát”.
Như vậy đương nhiên bị khóa tài khoản vĩnh viễn. Đồng nghĩa với chịu mất 250 nghìn đồng “vô điều kiện”.
Những điều khoản khắc nghiệt.
Bạn Hạnh, một sinh viên tìm được thông tin tuyển dụng việc này trên một trang việc làm thêm cho sinh viên trên facebook và cũng mất 250 nghìn trong ấm ức vì không thể “đọc” nổi những mã như thách đố của phần mềm làm việc. “Tưởng có công việc nhàn để làm kiếm thêm thu nhập không ngờ tiền mất tật mang mà không dám kêu ai”. Hạnh chia sẻ.
Bạn Hoàng Anh (sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) cũng là “nạn nhân” của chiêu lừa bịp này chia sẻ: “Đây giống một “trò chơi điện tử” mà người chơi chắc chăn sẽ thua vì khó mà “giải mã” được những captcha (mã)”.
Các công ty này thường tuyển dụng số người không hạn chế. Mỗi một ngày, có hàng vài chục người đến kí hợp đồng, mỗi người thu 250 nghìn thì số tiền kiếm được lên tới hàng chục triệu. Đây quả là cái bẫy kiếm tiền “siêu hạng”của những tổ chức phi pháp.
Theo Baoxaydung.
Leave a Reply