Thực tập sinh là vị trí học việc, giúp việc và nhiều khi là sai vặt tại một số công ty. Đa phần thực tập sinh là sinh viên chưa ra trường hoặc vừa ra trường, sinh viên đang nghỉ hè, đa phần là chưa có kinh nghiệm làm việc. Nhận thực tập sinh vào làm việc công ty vừa phải đào tạo lại từ đầu, vừa chịu rủi ro với những sai lầm không đáng có của một đứa chưa có kinh nghiệm. Vì vậy, đa số thực tập sinh thường chỉ được giao những việc nhỏ, không quan trọng và không thực sự có tầm ảnh hưởng như nghiên cứu thị trường, thu thập và phân tích dữ liệu, dịch tài liệu, làm báo cáo đơn giản, chạy những việc “operation” hàng ngày, chuẩn bị giấy tờ, hợp đồng,…
Qua hơn một năm thực tập tại một công ty Việt Nam, một công ty nước ngoài và một tập đoàn đa quốc gia, cùng với nhiều lần làm việc chung với nhiều công ty khác, mình thấy cách nhìn nhận và đối xử của họ với thực tập rất khác nhau. Cùng với thời gian và kinh nghiệm, mình nhận thấy thực tập sinh là vị trí đẹp nhất ở một công ty mà một sinh viên chưa có kinh nghiệm có thể được nhận. Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất, bạn là thực tập, bạn được tha thứ dễ dàng hơn nếu mắc lỗi. Vì bạn chưa nhiều kinh nghiệm, vì bạn mới, nên khi mắc lỗi người ta sẽ nghĩ rằng đó là chuyện bình thường, họ sẽ sẵn sàng chỉ bảo cho bạn để lần sau không mắc phải nữa. Nhưng cũng đừng vì như vậy mà mắc lỗi quá nhiều, một tinh thần tiếp thu và luôn làm tốt hơn ngày hôm qua sẽ giúp bạn tiến rất nhanh.
Thứ hai, là thực tập sinh bạn được giao rất nhiều việc linh tinh lặt vặt, bạn phải tương tác với rất nhiều phòng ban và được mọi người nhờ vả rất nhiều (vì những việc operation thường không có ai làm, có một đứa thực tập làm giúp thì còn gì bằng). Ít người nghĩ rằng đây là lợi thế. Bởi họ nghĩ thật là phí thời gian để làm những việc này. Mình cũng đã từng nghĩ như vậy. Cho đến khi mình nhận ra nhờ vậy mà mình đã quen biết va chạm được với rất nhiều người trong công ty, hiểu hơn về cách làm việc của mỗi người là khác nhau, phải biết linh hoạt để giao tiếp với từng người. Hơn nữa, mình còn nắm rất rõ các quy trình phức tạp của một công ty, từ nhân sự, đến tài chính, truyền thông, bán hàng, mua hàng,… Khi bạn hiểu được cả một bộ máy làm việc như thế nào, trong tương lai bạn sẽ có thể được giao nhiệm vụ vận hành nó.
Thứ ba, thực tập sinh cũng nên có KPI rõ ràng và được đối xử như một nhân viên có các quyền lợi của công ty. Qua kinh nghiệm của bản thân, thực tập sinh càng được đối xử nghiêm túc, họ sẽ càng chủ động và tích cực hơn trong công việc. Thực tập sinh là một vị trí khá linh động, bạn có thể được vào làm bất cứ dự án nào mà bạn muốn thử sức. Nhiều công ty mà mình đã từng làm sẵn sàng hướng dẫn và định hướng cho bạn làm những mảng công việc yêu thích. Đối với các công ty đó, thực tập sinh vừa là nguồn nhân lực tốt, nhiệt huyết, chi phí thấp, vừa là những hạt giống tài năng tương lai.
Có nhiều người đi làm nói với mình họ không làm việc này việc kia đơn giản vì nó không nằm trong “scope of work” của họ. Lúc đó là một thực tập sinh mình cũng không thực sự có một scope of work chi tiết. Mình chỉ biết nhiệm vụ của mình là làm tất cả những gì mình có thể để công việc mình đang phụ trách hoàn thành một cách tốt nhất. Có thể nhiều người nói mình hâm nếu mình nhận thêm công việc thiết kế mặc dù mình không có trách nhiệm phải làm nó. Nhưng nhờ có nhận thêm việc đó mà kĩ năng thiết kế của mình đã tiến bộ đáng kể. Mình cũng không cần phải nhắc sếp em còn việc này việc kia cần làm cho kịp tiến độ vì mình sắp nghỉ làm rồi. Mình cũng không đi theo con đường PR nhưng kinh nghiệm tại PR agency đã chỉ cho mình rất rõ cách tổ chức họp báo và viết thông cáo báo chí như thế nào. Mình không làm về Digital Marketing nhưng kinh nghiệm thực tập thứ 2 tại trường cho mình hiểu Facebook Ad, GDN, Adwords phải chạy như thế nào, phải làm plan và report kĩ càng như thế nào… Ở trong trường, mình cũng không được dạy phải tính một chiến dịch Marketing phải ra được bao nhiêu sales, phải tính ROI ngay từ khi lên kế hoạch. Tất cả chỉ là lý thuyết rỗng nếu không có thực tế.
Là một người đã xác định rất rõ học Marketing và theo ngành Marketing, mình cũng đã phải suy nghĩ lựa chọn rất nhiều. Mình đã từng muốn làm PR một cách chuyên sâu, đã từng phải suy nghĩ mình nên làm agency hay in-house, thậm chí đã từng được có những cơ hội chuyển sang mảng đầu tư, hay làm start-up… Chính những cơ hội thực tập đã cho mình tìm câu trả lời cho công việc mà mình không thích làm, công việc mình không phù hợp, để câu trả lời Marketing in-house đến một cách dễ dàng hơn.
Nếu bạn chưa thử, bạn không thể biết chắc chắn là bạn muốn gì. Có nhiều khi điều bạn muốn lại không thực sự phù hợp. Hãy đi tìm điều bạn muốn và phù hợp với bạn.
Chính vì vậy, khi còn chưa có nhiều kinh nghiệm, hãy thực tập thật nhiều, làm hết mình. Người sếp thứ nhất dậy cho mình là “Em hãy là một miếng bọt biển, đi đến đâu hãy cố gắng hút hết tất cả những kiến thức, kĩ năng, sự hiểu biết từ những người làm việc cùng em, từ môi trường xung quanh em.”
Và một người chị giỏi giang bảo mình rằng “Khi em đang là một thực tập, nếu em muốn làm nhân viên chính thức, em hãy hành động như một nhân viên chính thức. Khi em đang là một nhân viên chính thức, nếu em muốn được lên làm quản lý, em hãy tư duy và hành động như một người quản lý.”
————————–
Mình viết bài viết này để cho mọi người một cách nghĩ khác về thực tập sinh, để các bạn không bỏ lỡ các cơ hội mà các bạn đang có. Nhờ có vị trí này, mình đã học được rất nhiều điều, để tiến nhanh hơn và xa hơn. Mình nghĩ mình luôn là người may mắn, may mắn để luôn đưa ra các quyết định quan trọng một cách chính xác. Và nếu có sai lệch phần nào đó, mình sẽ có thể làm hết sức để điều chỉnh sao cho quyết định đó là chính xác.
Nguồn : FB Nguyen Mai Ly
Leave a Reply