Giống như một ván cờ, khi bạn trả lời các câu hỏi phỏng vấn cũng là lúc bạn đang phòng thủ, chống đỡ lại các đợt “chiếu tướng” của NTD, càng phòng thủ tốt và thông minh bao nhiêu thì bạn càng ghi được điểm bấy nhiêu. Thế nhưng hãy thử tưởng tượng, bạn không những phòng thủ tốt mà bạn còn biết cách “tấn công lại” NTD thì bạn sẽ gây ấn tượng như thế nào?
“Ái dà, ứng viên này khá đấy chứ” Tôi chắc là NTD sẽ nghĩ như vậy!
Vậy thì làm thế nào để đặt được những câu hỏi hay cho NTD? không hề dễ nhưng cũng không quá khó. Bạn hãy tham khảo những điều tôi viết dưới đây:
*** Các câu hỏi liên quan đến công việc***
1. “Em đã đọc rất kỹ thông tin tuyển dụng cũng như tìm hiểu qua các nguồn thông tin khác, nhưng em muốn được anh/chị chia sẻ thêm về thực tế tại đơn vị mình, để hoàn thành xuất sắc công việc này thì em cần thêm những kỹ năng hay kiến thức nào khác không?”
>>> Đây là một câu hỏi rất thông minh nó thể hiện được rằng bạn đã nắm được các yêu cầu cơ bản của công việc, bạn đã nghiên cứu kỹ về công việc nhưng bạn vẫn muốn làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao nên bạn muốn được sếp mình chia sẻ về thực tế. Đương nhiên, sếp bạn sẽ vui vẻ chia sẻ với bạn, mà bạn lại biết cần bổ sung nhữn gì còn thiếu cho vị trí này.
2. “Em hiểu mỗi bộ phận, tổ chức đều có những khó khăn thử thách riêng, vậy bộ phận/ công việc của em thường gặp phải những vấn đề hoặc thử thách như thế nào trong công việc hằng ngày?”
>>> Đây là câu hỏi thể hiện bạn đã có kinh nghiệm trong quá khứ và bạn muốn biết sắp tới bạn sẽ đối mặt những gì để có sự chuẩn bị tốt nhất chứ không phải lơ ngơ tự tìm hiểu nữa. NTD sẽ đánh giá cao câu hỏi này vì bạn là người không sợ khó khăn.
3. “Theo quy định của Công ty thì em sẽ phải thử việc và học việc trong vòng bao lâu?”
>>> Câu này khá nhạy cảm và nếu không cẩn thận nó sẽ bị coi là hỏi về lợi ích bản thân chứ không phải là mong muốn của bạn được chính thức cống hiến tại công ty. Nhưng mặt khác, câu này giúp bạn biết được ít nhiều NTD đang đánh giá thế nào về bạn, nếu câu trả lời mang hơi hướng có lợi cho bạn thì khả năng bạn đã được chọn. Dù sao bạn hãy tự đánh giá tình hình trước khi hỏi câu này, nếu bạn thấy khả năng đỗ của bạn là cao và NTD cũng khá happy thì hỏi câu này là ổn.
4. “Qua thông tin tuyển dụng, em đã nắm được trách nhiệm của em và yêu cầu của vị trí, nhưng em vẫn muốn anh/chị chia sẻ thêm về KPI cụ thể mà vị trí của em phải nhận là gì ạ?
>>> Điểm gây ấn tượng ở đây chính là từ KPI. KPI là viết tắt của Key Performance Indicator dịch nôm na là Chỉ số đo lường hiệu quả công việc mà hầu như tổ chức nào cũng có bộ KPI để đánh giá nhân viên. Nếu bạn là NV bán hàng thì chỉ tiêu KPI của bạn sẽ phải bán được bao nhiêu tiền hàng? phát triển được bao nhiêu khách hàng mới?…và chỉ những người đã từng đi làm, đã được giao chỉ tiêu KPI mới hiểu được cái này. Như vậy, NTD sẽ đánh giá rằng bạn rất hiểu việc phải chịu chỉ tiêu và áp lực công việc, bạn muốn hiểu rất rõ bạn sẽ phải làm gì để đạt được hiệu quả và bạn đã sẵn sàng để làm nó.
5. “Anh/ chị có thể chia sẻ thêm về kỳ vọng cũng như mong muốn của anh/chị cho vị trí này trong thời gian tới được không?
– Câu này ngầm ý là “Em phải làm gì để anh/chị hài lòng?” và tất nhiên NTD sẽ bày tỏ những kế hoạch, những kỳ vọng tương lai của họ cho các nhân sự như bạn trong tương lai.
*** Các câu hỏi liên quan đến bồi dưỡng nhân sự***
1. ” Liệu Công ty có các khóa đào tạo nào được tổ chức thường niên hay các chính sách đào tạo của Công ty giúp nhân sự được nâng cao kỹ năng, trình độ không?”
>>> Câu này cho thấy bạn là người ham học hỏi và mong muốn được học hỏi để phát triển bản thân. NTD cũng đánh giá cao những câu hỏi này và những câu hỏi này lại hoàn toàn chính đáng, không đụng chạm hay nhạy cảm với các vấn đề của công ty.
2. “Liệu Công ty hay bộ phận có thường tổ chức những cuộc đào tạo chia sẻ nội bộ ko?”
>>> Thông thường tại một số Công ty rất hay tổ chức các buổi đào tạo nội bộ hoặc chia sẻ nội bộ, mục đích là để những người có kinh nghiệm, có những thành công nhất định trong công việc giúp đỡ những người còn lại. NTD đánh giá rất cao câu hỏi này vì nó thể hiện bạn mong muốn được học hỏi từ những người giỏi nhất và cũng ngầm ám chỉ học hỏi từ sếp bạn.
***Liên quan đến team của bạn***
1. “Bộ phận em làm việc có bao nhiêu người ah? liệu em có phải là người trẻ nhất không?” (nếu bạn mới ra trường)
>>> Câu này giúp bạn mường tượng ra môi trường làm việc của bạn sẽ như thế nào? bạn sẽ thường xuyên tiếp xúc với ai? và nó cũng thể hiện mức độ quan tâm của bạn với đơn vị mà bạn sắp sửa đầu quân.
2. “Em sẽ báo cáo trực tiếp cho ai? và gián tiếp cho ai?”
>>> Chắc chắn 90% những người đang hỏi bạn là sếp trực tiếp và gián tiếp của bạn nhưng bạn lại không biết cụ thể ai sẽ là người phụ trách trực tiếp mình? câu hỏi này giúp bạn biết được ai sẽ là người sẽ trực tiếp làm việc với mình trong thời gian tới.
***Nhưng dạng câu hỏi không nên hỏi***
1. Các câu hỏi về lợi ích cá nhân: Như lương thưởng, chế độ nghỉ, đi chơi, thăng tiến.v.v.vv.
2. Hỏi về thông tin cá nhân của NTD.
3. Hỏi quá sâu và dai vào một vấn đề nào đó.
4. Hỏi những câu quá hiển nhiên hoặc tìm dễ dàng trên internet.
5. Hỏi những câu chả liên quan gì đến bạn, vị trí công việc của bạn.
———————–
>>> Như tôi đã nói lúc đầu, việc đặt câu hỏi cho NTD cũng giống như bạn “tấn công lại” NTD trong một ván cờ và đương nhiên bạn có thể sẽ bị phản đòn bất cứ lúc nào nếu bạn “tấn công” không khéo. Một câu hỏi hay giúp bạn thể hiện được mối quan tâm thực sự tới công việc, thể hiện rằng bạn quan tâm tới sếp bạn, bạn quan tâm tới sự thể hiện năng lực của bạn..v.v..và rât nhiều thứ khác, thế nhưng nó chỉ thực sự phát huy tác dụng khi bạn đã “phòng thủ” tốt trước đó. Nếu bạn không thể “phòng thủ” tốt trước những câu hỏi của NTD thì bạn đã thua ngay từ lúc đó và việc đặt lại câu hỏi cho NTD lúc này đã không còn mang nhiều ý nghĩa.
Thực tế có nhiều NTD khá khó tính và họ có thể sẽ trả lời bạn rằng “Em sẽ được phổ biến khi chính thức trúng tuyển” vì lúc bạn hỏi những câu hỏi này thì bạn chưa chính thưc trúng tuyển. Một cuộc phỏng vấn nó phụ thuộc khá nhiều vào ý chí chủ quan của từng người, từng NTD, do đó hãy vận dụng sự nhạy cảm của bản thân để đánh giá tình hình và “phản công” lại một cách hợp lý nhé.
St
Leave a Reply