Trong đơn khiếu nại gửi Báo Người Lao Động mới đây, nhiều người lao động (NLĐ) phản ánh về việc bị Công ty CP Đào tạo đầu tư Trí Tuệ Việt (Công ty Trí Tuệ Việt, số 84 đường 11, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM) lừa tiền. “Công ty “gạ” NLĐ đóng gần 10 triệu đồng để được học kỹ năng làm việc với mức lương cao nhưng sau đó không thực hiện cam kết và không trả lại tiền. Tôi đề nghị Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM điều tra, đòi lại quyền lợi cho NLĐ” – chị Hoàng Thị Thảo, một trong những người bị Công ty Trí Tuệ Việt lừa, bức xúc.
Đủ chiêu vòi tiền
Theo chị Hoàng Thị Thảo, qua thông tin trên mạng, biết Công ty Trí Tuệ Việt tuyển dụng nhân viên tư vấn, nhân viên phát triển thị trường với mức lương từ 4 – 8 triệu đồng/tháng, được đào tạo kỹ năng miễn phí, làm việc trong môi trường năng động… nên chị đến nộp hồ sơ. Sau đó, chị được một người tên Hướng gọi đến công ty phỏng vấn.
Tại buổi phỏng vấn, người tên Hướng cho biết công ty đang rất cần người nên đề nghị chị Thảo tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ cơ bản về kỹ năng giao tiếp trong khoảng thời gian 5 – 7 ngày, học phí 650.000 đồng. Số tiền này sẽ được trả lại sau 2 tháng NLĐ làm việc tại công ty.
Sau khi chị Thảo đóng tiền vào học được một ngày thì có nhân viên đến nói rằng công ty đang cần tuyển 2 người làm nhân sự, xét thấy hồ sơ của chị đủ điều kiện nên chọn. Tuy nhiên, để làm việc ở vị trí này, chị phải tham gia khóa học kỹ năng giao tiếp và kỹ năng quản lý nhân sự với mức học phí hơn 8,8 triệu đồng. Khi chị Thảo hỏi địa điểm học thì người này cho biết là ở Viện Quản trị kinh tế Việt Nam nhưng không nói địa điểm cụ thể.
Nhà số 84 đường 11, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP HCM trước đây treo biển Công ty Trí Tuệ Việt, nay được thay bằng Viện Quản trị kinh tế Việt Nam
Sau khi đóng đủ tiền, chị Thảo nhận được “hợp đồng dịch vụ đào tạo”. Theo hợp đồng này thì sau khi kết thúc khóa học, các học viên sẽ được Viện Quản trị kinh tế Việt Nam cấp chứng chỉ. “Khi vào học, tôi mới biết mình bị lừa. Có một môn học mà đến 3 thầy dạy, trùng kiến thức. Giờ học luôn thất thường, muốn dạy lúc nào thì dạy. Qua trao đổi với các học viên, tôi được biết nhiều người từng học khóa này không được cấp bằng, cũng không được đào tạo đúng như cam kết. Khi chúng tôi tìm đến công ty chất vấn thì họ trốn biệt” – chị Thảo lo ngại.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài chị Thảo còn vài chục người khác cũng dính “bẫy” của Công ty Trí Tuệ Việt.
Bỗng dưng ngưng hoạt động!
Trước phản ánh của NLĐ, chúng tôi đã tìm mọi cách liên lạc với ông Phạm Văn Út, Giám đốc Công ty Trí Tuệ Việt, nhưng không được, kể cả tìm đến tận trụ sở công ty. Hiện nay, tại địa chỉ số 84 đường 11, phường Linh Xuân, biển hiệu của Công ty Trí Tuệ Việt đã được thay bằng biển hiệu Viện Quản trị kinh tế Việt Nam.
Ông Đậu Văn Từ, đại diện Viện Quản trị kinh tế Việt Nam (trụ sở ở tỉnh Bình Dương) – đơn vị liên kết cấp chứng chỉ với Công ty Trí Tuệ Việt – cho biết đơn vị của ông chỉ cấp chứng chỉ cho học viên đến viện thi; còn việc tư vấn, tuyển dụng là do Công ty Trí Tuệ Việt thực hiện. Ông Từ còn giới thiệu mình là cố vấn của Công ty Trí Tuệ Việt.
Khi được hỏi vì sao đang tuyển nhân viên mà Công ty Trí Tuệ Việt lại tạm ngưng hoạt động, ông Từ cho biết vì bị cơ quan truyền thông phản ánh, học viên phản ứng, cơ quan chức năng kiểm tra nên ảnh hưởng đến uy tín của công ty (!?). Khi chúng tôi đề nghị ông Từ liên lạc để gặp ông Phạm Văn Út thì ông một mực khước từ: “Công ty đang tạm ngưng hoạt động để xin giấy phép đào tạo nghề, tôi cũng không liên lạc được với giám đốc”.
Liên quan đến khiếu nại của NLĐ, ông Từ cho biết hiện công ty chưa nhận đơn nên cũng không biết nội dung thế nào để giải quyết. Ông Từ đề nghị NLĐ gửi đơn cho công ty để được xem xét giải quyết.
Gian dối và trục lợi
Luật sư Cao Thế Luận, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng theo những thông tin mà NLĐ cung cấp thì Công ty Trí Tuệ Việt đã gian dối và trục lợi.
Cụ thể, công ty vi phạm điểm b, khoản 2 điều 5 Nghị định 95 ngày 22-8-2013 của Chính phủ – “Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động”; vi phạm điểm a, khoản 3 điều 10 – “Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật”. Các hành vi này có thể bị xử phạt đến 50 triệu đồng và bị buộc hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận của NLĐ, kể cả tiền lãi.
nld.com.vn
Leave a Reply