Trong suốt quãng thời gian đi làm cho đến giờ, tôi đã gặp rất nhiều loại sếp và đồng nghiệp. Khó tính có, dễ tính có, tinh ranh có, và cả nể cũng có. Đã có những lúc rất bức xúc với các sếp, nhưng suy cho cùng việc va chạm trong công việc là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta không thể nào yêu cầu người sếp của mình phải hoàn hảo khi bản thân chúng ta cũng hoàn toàn không hoàn hảo.
Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể chỉ trích sếp của mình. Tùy vào mức độ chịu đựng của mỗi người, sếp có thể khiến bạn bực tức, lo lắng, tội lỗi hay thất vọng về bản thân. Tuy nhiên, đối với riêng bản thân tôi, điều tồi tệ nhất một người sếp có thể tác động lên nhân viên là khiến họ cảm giác như “nô lệ” trong công sở.
Lý do nào khiến bạn vâng lời sếp?
Tôi đã đọc ở đâu đó rằng khi mới bắt đầu làm việc, nhiệm vụ bạn nên quan tâm hàng đầu là làm sao hỗ trợ sếp trực tiếp của mình một cách tốt nhất. Lời khuyên đó tôi cảm thấy rất đúng, nhưng có một điều kiện ở đây: hãy hiểu rõ lý do bạn đang làm điều này. Thực ra, trong bất kì trường hợp nào, bạn cũng phải hiểu rõ lý do bạn đang “phục vụ” cho sếp mình.
Tôi từng gặp một người sếp can thiệp rất sâu sắc vào công việc của tôi, với những lý do rất mập mờ. Sau này, khi có cơ hội làm việc với các đối tác, tôi cũng bắt gặp những loại sếp như vậy. Họ luôn luôn muốn những gì bạn làm phải đúng tuyệt đối với những gì họ muốn. Đó là những người sếp cầu toàn. Mọi chuyện chỉ vượt quá giới hạn chịu đựng của tôi khi họ phạm một trong hai điều sau: một là không đưa ra chỉ dẫn rõ ràng để tôi có thể thực hiện công việc đúng theo ý họ, và hai là, họ không bao giờ đưa ra lý do tại sao họ muốn như vậy.
Nói cách khác, họ tự tạo ra một hình mẫu lý tưởng trong đầu và bắt bạn “đoán mò” ý tưởng của họ cho đến khi nào đúng thì thôi. Bạn chỉ là công cụ để họ đạt được mục đích, và bạn không bao giờ được phép hỏi động cơ hay lý do nào biện minh cho ý thích của họ. Và bạn trở thành một thể loại “nô lệ” hiện đại trong văn phòng, ngày ngày ngồi vào bàn làm việc chăm chỉ biến ước mơ và có khi là sở thích của sếp bạn thành hiện thực.
Làm công ăn lương, nên vâng lời sếp?
Khi đánh giá sếp, tôi luôn nhìn cách họ đưa ra ý kiến và tiếp thu ý kiến. Nếu họ luôn muốn mọi người làm theo ý mình mà không có lý do, họ là sếp tồi. Nhưng tồi tệ hơn nữa, là khi nhân viên đóng góp ý kiến, họ lại yêu cầu nhân viên giải thích cặn kẽ về ý kiến đó, đồng thời sẵn sàng phản bác lại ý kiến của nhân viên một cách dễ dàng. Họ xem trọng ý kiến của mình hơn của nhân viên. Đó là điểm mấu chốt khiến tôi cân nhắc việc tiếp tục làm việc lâu dài với người sếp đó.
Chúng ta có thể nói rằng: rất công bằng khi người làm công ăn lương vâng lời sếp. Nhưng thế giới nhân sự không phải là cuộc mua bán công sức bằng tiền bạc. Khi đã có kha khá kinh nghiệm làm việc, tôi hiểu giá trị của nhân tài là thế nào và sự phát triển nhân tài cần những điều kiện gì. Nhân tài không phải là “nô lệ”. Họ không phải là công cụ thực hiện ý tưởng của “sếp”, mà bản thân mỗi người tài có khả năng đem lại những ý kiến, những đóng góp và những cách làm khác nhau để giúp công ty thành công.
Đừng làm “nô lệ” nữa
Mỗi người đều có ước mơ, mục tiêu và lựa chọn riêng để sống và làm việc theo ý của mình. Thế thì tại sao bạn phải răm rắp vâng dạ sếp trong khi bạn có thể đưa ra những ý tưởng còn tốt hơn.
Trong những nhân viên tôi tuyển dụng, tôi luôn thích những nhân viên biết hỏi lại mỗi khi tôi giao một công việc. Vì sao phải làm như vậy? Làm như vậy cải thiện được gì? Em có phải là người thích hợp để làm việc đó hay không? Những câu hỏi như vậy trong môi trường công sở tại Việt Nam tôi thấy vẫn còn hiếm quá. Người ta quá quen với việc làm “nô lệ”, mà ai cũng biết, “nô lệ” thì sẽ chẳng bao giờ trở thành một nhân vật nào vĩ đại hơn. Nếu chỉ quen làm việc cho người khác, bạn sẽ chẳng bao giờ thăng tiến. Cho nên, từ bây giờ, hãy dừng việc làm “nô lệ” ở văn phòng và bắt đầu làm chủ sự nghiệp của chính mình.
Sưu tầm (HR Insider / VietnamWorks)”
Leave a Reply